HSBC, Serverless và Cloud Computing, khi có công nghệ là chưa đủ
Tại hội nghị Amazon re:Invent cuối năm 2018 vừa rồi, ngân hàng HSBC đã công bố chuyển đổi hệ thống sang dạng thiết kế Serverless chạy trên nền Amazon Web Services (AWS). Điều này không chỉ có ý nghĩa với HSBC mà còn khẳng định vị thế dẫn đầu của AWS cũng như tương lai của kiến trúc Serverless. Tuy nhiên tôi sẽ không bàn nhiều đến HSBC cũng như Serverless, mà thay vào đó là cuộc chiến Điện toán Đám mây giữa các ông lớn, qua đó cho thấy tầm nhìn chiến lược của họ.
Nhưng có lẽ vẫn ngoài lề đôi chút, bản thân tôi không thích Serverless vì nó cho cảm giác người Developer giống như đứa trẻ tập ghép LEGO, dễ tạo tâm lý ỷ lại và không nghiên cứu công nghệ lõi đủ sâu, việc tuning cũng khó khăn hơn (optimize tham số của MySQL dễ dàng hơn nhiều so với Amazon Aurora). Tuy nhiên, có lẽ nó vẫn sẽ là xu hướng trong tương lai, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ cũng như các cty không đặt công nghệ là trọng tâm (mục đích tối ưu hoá ROI — Return On Investment như cách nhìn của HSBC). Khi đó, các ứng dụng dùng MEAN/LAMP stack rất phổ biến hiện tại sẽ thay thế bởi AWS Lambda + DynamoDB/Aurora rẻ và tiện hơn nhiều.
Từ ý chí người lãnh đạo
Trước đây tôi đã có lần đề cập đến chuyện quyết định chuyển dịch trọng tâm công ty sang xây dựng Platform của Jeff Bezos khiến đặt nền móng cho dịch vụ AWS. Nó cho thấy tầm nhìn của ông chủ Amazon, thể hiện qua việc ngày nay AWS đã là market leader với market share chiếm gần 50%, lớn hơn 5 đối thủ tiếp theo gộp lại (Microsoft Azure, Google Cloud Platform, IBM Cloud, Alibaba Cloud, Oracle Cloud). Nếu nói Cloud Computing là lĩnh vực dành cho các ông lớn, thì Amazon chính là ông lớn của các ông lớn.
Vậy điều gì đã khiến Amazon bứt phá như vậy? Tôi cho rằng yếu tố then chốt chính là từ chiến lược và tầm nhìn của người đứng đầu. Jeff Bezos nhận thấy Cloud Computing là thị trường tiềm năng nhưng chưa thực sự có đối thủ cạnh tranh nào, ông lập tức đầu tư cho công nghệ này, mục đích tăng trưởng nhanh nhất có thể, trở thành người dẫn đầu và thu hút khách hàng càng nhiều càng tốt. Các đối thủ khác khi nhận ra miếng bánh béo bở và nhảy vào thì sẽ gặp một rào cản nghiêm trọng khi thâm nhập thị trường là đã bị Amazon bỏ quá xa. Mô hình kinh doanh này được gọi là “Get Big Fast”.
Tuy nhiên, điều chưa hẳn nhiều người biết, về các công nghệ nền tảng trong Cloud Computing thì Amazon lại không phải là người dẫn đầu khi đó. Google đã bắt đầu các công nghệ này từ rất sớm. Vậy điều gì khiến Google bây giờ lại phải đóng vai kẻ bám đuôi?
Sai lầm của Google
Để làm được Cloud Computing thì công nghệ ảo hoá (Virtualization) là chưa đủ mà còn cần đến những công nghệ khác nữa (Sandboxing, Fog computing, Utility computing,…), trong đó có 1 phần rất quan trọng là tính toán song song phân tán (Grid Computing — Distributed, parallel computing). Google đã có những Research Paper về những vấn đề này từ rất sớm. Ngay từ năm 2003, hãng đã công bố nghiên cứu về GFS (Google File System) — hệ thống lưu trữ file phân tán, một năm sau đó là 2004, họ lại tiếp tục giới thiệu mô hình MapReduce định hình nên tính toán phân tán ngày nay. Hai công nghệ này được tích hợp vào Apache Hadoop và Google BigTable sau đó. Tuy nhiên họ lại chủ yếu tập trung sử dụng chúng cho Search Engine của mình.
Đến khi năm 2006, Amazon S3 và Amazon EC2 được công bố và lập tức tăng trưởng thần tốc, Google đã nhận thấy sai lầm. Nỗ lực sửa sai của họ được hiện thực bởi 2 năm sau đó (2008), khi giới thiệu nền tảng AppEngine. Tuy nhiên dường như Google không hoàn toàn nghiêm túc với dự án này. Họ bắt đầu với AppEngine là Platform as a Service(PaaS) và thiếu support với các ngôn ngữ phổ biến (đặc biệt là Java, điều này bị chỉ trích rất nhiều) chứ không phải Infrastructure as a Service (IaaS) như Amazon EC2 với tính tuỳ biến cao. Thêm vào đó, mãi cho đến 2011 thì cái mác Beta mới được loại bỏ khỏi AppEngine. Và tận đến 2012, nền tảng IaaS của Google là Compute Engine mới đc giới thiệu, lúc này họ đã bị Amazon bỏ quá xa.
Google Cloud Platform (GCP) sẽ đi về đâu?
Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. — Matthew 25:29
Hiện nay, tuy có nền tảng tính toán cực mạnh nhưng Google chỉ cạnh tranh với Amazon chủ yếu nhờ vào giá (dựa trên Economies of Scale của nền tảng lớn nhất hành tinh). Ngặt nỗi, giá không phải là tất cả. Công nghệ là bệ phóng cực mạnh nhưng nếu thiếu tầm nhìn của người lãnh đạo, cty bạn vẫn là kẻ bám đuôi. Theo hiệu ứng Matthew, Amazon sẽ càng ngày càng bỏ xa các đối thủ, phần còn lại của miếng bánh sẽ được tranh giành bởi các cty còn lại. Ngoài Amazon, nền tảng Azure của Microsoft đang tăng trưởng nhanh chóng trở thành số 2 trên thị trường.
Vậy tương lai nào cho GCP? Không ai biết chắc, nhưng có lẽ mảng quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục là đầu tầu kéo cỗ máy ì ạch Google tăng trưởng thay vì nền tảng điện toán đám mây như Amazon và Microsoft.